Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản (1267-1285) là một quý tộc nhà Trần, sống ở thời kỳ trị vì của vua Trần Nhân Tông, có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai. Về tiểu sử, sách sử không thấy ghi chép về thân thế, cha mẹ, chủ yếu chỉ nói về khí phách và chiến công của Trần Quốc Toản trong cuộc kháng chiến giữ nước của nhà Trần.
Trần Quốc Toản là người như thế nào?
Từ thuở nhỏ Trần Quốc Toản đã làu thông sử sách và rất giỏi võ công mưu lược. Năm Trần Quốc Toản 15 tuổi, vua Trần triệu tập “Hội nghị Bình Than” - (Nay thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), gồm toàn thể các quan đại thần và các tướng lĩnh để bàn kế đánh giặc Nguyên Mông. Vì tuổi còn nhỏ nên Trần Quốc Toản đến nhưng vua không cho vào dự họp bàn lại còn an ủi ban thưởng cho một quả cam... Trần Quốc Toản lấy làm xấu hổ, nghĩ vua vẫn coi mình như là con nít. Rồi với lòng buồn tủi và căm thù giặc uất nghẹn trào lên, cậu bé Quốc Toản đã bóp nát quả cam trong tay mình lúc nào mà không hay biết!
Trở về, Trần Quốc Toản “bí mật” huy động gia nô tùy tùng, bạn bè thân hữu (đa phần là tuổi thiếu niên) khoảng hơn nghìn người, tổ chức đúc rèn binh khí, đóng chiến thuyền và dựng một lá cờ to thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch báo Hoàng ân” để chờ ngày xuất binh.
Tiếng vang của Trần Quốc Toản và lá cờ thêu sáu chữ vàng được lan truyền khắp mọi nơi. Hưng Đạo Vương khen ngợi và cho Trần Quốc Toản đem quân đến tham gia cuộc duyệt binh lớn ở Thăng Long.
Năm 1285, quân Mông - Nguyên tràn vào nước ta. Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Hoài Văn Hầu xuất hiện trên nhiều mặt trận. Trần Quốc Toản đã trực tiếp chỉ huy đội quân hơn 1000 người sát cánh chiến đấu với quân chủ lực của triều đình góp phần làm nên những chiến thắng vang dội ở Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương. Giặc Mông - Nguyên phải bỏ Thăng Long, chạy về Kinh Bắc (Bắc Ninh) để tìm đường về nước. Trần Quốc Toản được lệnh điều quân đến mai phục chặn đánh địch ở vùng sông Như Nguyệt. Trong trận đánh quyết liệt đó, giặc thua to nhưng không may Trần Quốc Toản đã hy sinh anh dũng khi mới 18 tuổi. Được tin Trần Quốc Toản mất, vua Trần Nhân Tông vô cùng thương tiếc. Nhà vua cho cử hành tang lễ trọng thể, đích thân làm văn tế và truy tặng Trần Quốc Toản tước Hoài Văn Vương.
Trần Quốc Toản đã trở thành tấm gương sáng ngời về ý chí và lòng yêu nước để các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn. Ông là con An sinh vương Trần Liễu, cháu gọi Trần Thái Tông bằng chú.
Quê ở làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Được phong ấp ở hương Vạn Kiếp, thuộc huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang.
Ông sinh năm 1226, mất năm 1300, thọ 74 tuổi.
Ông là anh hùng dân tộc, “Bình Bắc Đại Nguyên Soái”, là nhà quân sự thiên tài, nhà chính trị vẹn toàn tài đức, bậc “đại bút”.
Theo truyền thuyết, từ nhỏ Trần Quốc Tuấn đã ham thích trò chơi đánh trận, sáu tuổi biết làm thơ. Lớn lên, học vấn rất uyên bác, vừa giỏi văn chương vừa hiểu thấu lục thao tam lược, cưỡi ngựa, bắn cung đều thành thạo. Năm 1257, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần đầu, ông được cử cầm quân giữ biên thuỳ phía Bắc. Ba chục năm sau, trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287-1288), ông lại được đề bạt làm Tiết chế Thống lĩnh toàn quân và đã giành thắng lợi lẫy lừng, đánh tan quân Nguyên ra khỏi bờ cõi đất nước.
Là một vị tướng tài kiêm văn võ, biết đánh giá đúng vai trò quan trọng của dân- nền tảng của xã tắc- và của quân- lông cánh của chim hồng chim hộc- Trần Hưng Đạo đã biết đề ra một đường lối quân sự ưu việt, có tính chất nhân dân, mà tiêu biểu là hai cuộc rút lui chiến lược khỏi Kinh thành Thăng Long, tránh cho nhà Trần những tổn thất lớn, và tạo thời cơ bẻ gãy lực lượng của địch. Những kế hoạch làm vườn không nhà trống trên khắp các nẻo đường mà giặc đi qua, những hoạt động phối hợp nhịp nhàng giữa hương binh và quân đội chính quy của nhà nước, những trận phục kích lừng danh như trận Bạch Đằng đã làm cho tên tuổi của ông sống mãi. Ngay đến kẻ thù cũng phải nhắc đến mấy chữ Hưng Đạo Vương với niềm kính trọng.
Bên cạnh tư tưởng quân sự kiệt xuất, Trần Quốc Tuấn còn nêu một tấm gương về lòng trung nghĩa sáng suốt, biết gạt bỏ mọi hiềm khích riêng để đoàn kết các tôn thất và tướng tá trong triều nhằm phò vua giúp nước, đánh bại kẻ thù. Sử sách từng ghi lại câu nói nổi tiếng của ông với vua Trần Thánh Tông, khi đất nước đang lâm vào tình thế nghìn cân treo sợi tóc: “Xin bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi sau sẽ hàng”. Cho đến trước khi chết ông vẫn ân cần dặn vua Trần Anh Tông trong mọi chính sách của nhà nước phong kiến phải biết “Nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Ông không những là một công thần của nhà Trần mà còn là một Anh hùng lớn của dân tộc.
Ông thường tiến cử nhiều người có tài ra giúp nước, lập nên công nghiệp lớn như: Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu… bất kể họ thuộc thành phần xã hội nào.
Trần Quốc Tuấn mất ngày 20 tháng Tám năm Canh tý (3-IX-1300) tại Vạn Kiếp. Sau khi mất, ông được triều đình phong tặng Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công, Nhân võ Hưng Đạo Đại Vương. Đền thờ ông tại Vạn Kiếp gọi là “Đền Kiếp Bạc”.
– Binh gia diệu lý yếu lược (Còn gọi là Binh thư yếu lược).
– Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Còn gọi là Hịch tướng sĩ). Đây là bài hịch viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, nhằm kêu gọi tướng sĩ chăm lo luyện tập và nghiên cứu binh thư để kịp thời đối phó với âm mưu xâm lược của giặc. Bài hịch chứng tỏ tài năng văn chương trác luyện và nhiệt tình yêu nước cháy bỏng của Trần Quốc Tuấn.
Ông được xếp vào danh sách Mười Đại nguyên soái Thế giới kiệt xuất nhất.
Tìm hiểu về nhân vật Trần Quốc Toản
Hoài Văn Hầu - Trần Quốc Toản là một nhân vật rất quen thuộc với các em học sinh qua câu chuyện Trần Quốc Toản bóp nát quả cam. Vậy Trần Quốc Toản quê ở đâu hay Trần Quốc Toản là con của ai? Đây đều là những câu hỏi rất bổ ích giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về tiểu sử Trần Quốc Toản, một vị anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử dân tộc.
Tóm tắt tiểu sử Trần Quốc Toản
Trần Quốc Toản (1267- 1285) thuộc dõng dõi vua Trần. Cha mất sớm, ông ở với mẹ và được chú là Chiêu Thành Vương dạy dỗ chu đáo. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu võ nghệ và lòng quả cảm hơn người, rất ham đọc sách quân sự và có chí lớn. Ông được phong tước Hoài Văn Hầu khi mới 15 tuổi.
Theo một số ghi chép của sử sách (chưa rõ tính xác thực):
Trần Quốc Toản là con trai Hoài đức vương Trần Bà Liệt (cháu nội Thượng hoàng Trần Thừa), sinh năm Mậu Thìn (1268) tại trang Bà Liệt làng Sặt nay là khu phố Trang Liệt, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Trần Bà Liệt vốn là một võ tướng của nhà Trần.